TPHCM đã trang bị xe thang cao 32m, 52m, 72m để chữa cháy và cứu hộ hỏa hoạn nhà cao tầng. Về lý thuyết, thiết bị xe thang có thể vươn lên lầu 18, nhưng thực tế khi có cháy xảy ra, do tác động bởi nhiều yếu tố, thì tối đa chỉ vươn lên được lầu 14 – 15.
Cụ thể, trung bình xe thang chữa cháy ứng cứu khi có sự cố cháy nổ xảy ra chỉ tới độ cao từ 30 – 32 m (tức khoảng tầng 10 – 12). Đối với xe thang 72m, nếu vị trí đỗ không đạt chuẩn thì xe thang cũng dễ bị đổ, chỗ quay của thang, khoảng cách quá dày cũng không quay được. Vì vậy, trong vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, việc giải cứu cư dân cũng được thực hiện ở các xe thang có tầm với hạn chế. Để tới được xe thang người dân phải đu thang dây từ các tầng cao hơn xuống và đã có người hụt tay rơi khỏi thang bị thiệt mạng.
Việc cứu hộ hỏa hoạn nhà cao tầng bằng trực thăng tại các tòa nhà cao tầng tại TPHCM mới chỉ nằm trên ý tưởng, do khó khăn về kinh phí (muốn mua cũng cần vài trăm tỷ đồng), vận hành và quản lý khai thác sử dụng trực thăng cũng là vấn đề phức tạp. .
UBND TP.HCM đã tổ chức công bố Dự án quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP đến năm 2025, theo đó, với tổng kinh phí dự kiến lên đến hơn 8.159 tỉ đồng, đề án bổ sung và lắp đặt mới 19.664 trụ nước chữa cháy; đầu tư xây mới trụ sở 5 đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận, huyện gồm quận 5, quận 7, quận 10, quận Phú Nhuận, quận Thủ Đức và 1 trạm xá; nâng cấp, cải tạo trụ sở 8 đơn vị cảnh sát PCCC gồm quận 3, quận 9, quận 12, quận Tân Bình, Trạm cảnh sát PCCC thuộc khu đô thị mới nam TP giai đoạn 2, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông, Phòng Cứu nạn cứu hộ và Trung tâm đào tạo huấn luyện PCCC, cứu nạn cứu hộ tại quận 9; đầu tư xây dựng doanh trại 18 đội cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ; 389 xe chữa cháy các loại, 61 máy bơm chữa cháy, 2 tàu chữa cháy trên sông… Tuy nhiên vấn đề chữa cháy cho nhà cao tầng còn bỏ ngỏ.
Trước mắt, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH TPHCM đề xuất sử dụng trực thăng quân đội tham gia chữa cháy, cứu hộ nếu xảy ra cháy ở nhà cao tầng. Theo thống kê, TP. HCM hiện có khoảng 10 tòa nhà cao tầng có sân bay có thể cho phép máy bay trực thăng đỗ.
Ngày 29/03/2018, Chủ tịch UBND TPHCM ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TPHCM, trong đó nêu rõ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố cần “Nghiên cứu đề xuất trang bị những phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần thiết đối với chung cư cao tầng; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất cập nhật, bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay như: bố trí tầng lánh nạn đối với chung cư trên 10 tầng, bãi đỗ trực thăng đối với công trình từ 20 tầng trở lên, kết nối trung tâm cảnh báo cháy sớm của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố”.
Hiện nay, xu hướng phát triển nhà cao tầng tại TPHCM ngày càng gia tăng. Do đó, các nguy cơ về mất an toàn do cháy nổ ngày càng cao, dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Hiện nay trên thế giới, đã và đang áp dụng nhiều phương tiện cứu hộ hỏa hoạn nhà cao tầng bao gồm : Sử dụng xe thang cứu hỏa, máy bay trực thăng, ống tuột cứu hộ, đệm hơi cứu hộ, dây thoát hiểm chống cháy và tuân thủ các giải pháp thiết kế. Tuy nhiên, năng lực cứu hộ hỏa hoạn nhà cao tầng tại TPHCM còn nhiều khó khăn, bất cập do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.